ĐÂU LÀ BẢN SẮC TRONG KIẾN TRÚC BUÔN MA THUỘT?

Thật khó chỉ ra đâu là bản sắc trong kiến trúc Buôn Ma Thuột. Bởi ở phố núi này, những công trình được xây dựng nên từ vài ba thập niên qua đều không mang đậm dấu ấn riêng biệt và phong cách kiến trúc đặc trưng nào. Có chăng cũng chỉ mới phảng phất hơi hướng, kiểu dáng kiến trúc nhà dài của người bản địa.

Theo Kiến trúc sư Diêu Quang Hùng (Hội Kiến trúc sư Dak Lak), để kiểm chứng điều đó, cứ dạo quanh Buôn Ma Thuột sẽ thấy trên các con phố trung tâm, hay những khu dân cư, công sở được quy hoạch và xây dựng gần đây, công trình nào cũng được thiết kế theo kiểu “mái dốc, hồi nhọn” như nét kiến trúc nhà dài Êđê. Cứ điểm qua khắc biết, từ Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Dạy nghề Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Sở Y tế đến Trường Tiểu học Ngô Quyền, Báo Dak Lak, Trụ sở Đảng ủy khối, Cơ quan thường trú Đài TNVN, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Tỉnh ủy nằm dọc đường Lê Duẩn… đều na ná một phong cách “mái dốc, hồi nhọn” như nhau. Nhiều cơ quan, công sở khác trên các con đường lớn như: Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Phan  Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Lý Thái Tổ hay khu đô thị mới ở cửa ngõ phía Đông-Bắc TP. Buôn Ma Thuột cũng không thoát khỏi mô típ kiến trúc này. Điều đó được nhìn nhận như thế nào? Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam có lần lên Dak Lak và chia sẻ rằng: Kế thừa vốn văn hóa kiến trúc độc đáo và giàu bản sắc của người bản xứ cũng là điều tốt, nhưng cũng phải biết sáng tạo thêm cho phù hợp và thích nghi với đời sống hiện tại, từ cấu kiện công trình cho đến công năng sử dụng, chứ không nên rập khuôn và cứng nhắc. Vị kiến trúc sư này dẫn chứng: Cũng từ văn hóa nhà dài mà ra, tuy nhiên cứ nhìn hai công trình kiến trúc tiêu biểu là Biệt Điện Bảo Đại và Nhà thờ giáo phận Buôn Ma Thuột sẽ thấy nó xứng đáng với ý nghĩa trong sự kế thừa và phát huy như thế nào.

Bảo tàng Dak Lak mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà dài của người bản địa - Và đây cũng là điểm nhấn tiêu biểu cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột hiện tại.
Bảo tàng Dak Lak mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà dài của người bản địa - và đây cũng là điểm nhấn tiêu biểu cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột hiện tại.

Nhìn tổng thể, dù được xây dựng hiện đại, nhưng tòa Biệt Điện vẫn giữ được nét hài hòa, phảng phất phong cách kiến trúc nhà dài người Êđê truyền thống. Phía trước và sau tòa nhà, tùy không gian cụ thể để bố trí lan can hoặc ban công cho phù hợp. Phần nội thất, ở giữa tòa nhà chiếm một không gian lớn nhất, không ngăn cách ô, phòng… nhằm tạo cảm giác thoáng rộng như ngôi nhà dài bản địa. Tuy nhiên, hai bên tả - hữu của tòa nhà vẫn được bố trí phòng ăn ở sinh hoạt thuận tiện. Tất cả phần nền nhà được lát bằng gỗ và phía dưới gầm là những hàng cột bê tông vững chãi, trông như một “biến tấu” độc đáo của khung nhà dài bản xứ. Chính diện tòa Biệt Điện, cả phía trước và sau đều có cầu thang bằng bê tông đi lên, dẫu đã được cách điệu, nhưng ai cũng thấy rõ đó là hình ảnh của chiếc cầu thang gắn bó mật thiết với ngôi nhà sàn Tây Nguyên.

Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột cũng không kém phần đặc sắc. Đến thăm công trình kiến trúc này, nếu không để ý thấy tượng Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây Thánh giá, thì ít ai có thể ngờ rằng đây lại là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo đến như vậy! So với Biệt Điện Bảo Đại thì công trình này khác hoàn toàn về lối kiến trúc và vật liệu xây dựng. Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói vẫy. Nhìn qua có cảm giác quen thuộc, gần gũi với ngôi nhà dài truyền thống. Có thể nói công trình này đã được “bản địa hóa” hết sức tinh tế và mỹ thuật. Vẫn là mô típ nhà sàn Tây Nguyên dài hàng chục mét - mái dốc, hồi nhọn, nhưng vách nhà được thiết kế bằng khung kính kín đáo và trang nhã. Tòa Giám mục bao gồm nhiều dãy nhà nối tiếp nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Các dãy nhà thông nhau bằng những cầu thang có mái che rất thâm nghiêm và cổ kính… Nhiều kiến trúc sư cho rằng hai công trình kiến trúc độc đáo trên là sự kế thừa có chọn lọc từ văn hóa nhà dài bản xứ.

Có thể nói kiến trúc trên vùng đất này trong quá khứ đã có vốn văn hóa sâu dày và đậm đà bản sắc. Kế thừa và phát huy vốn kiến trúc ấy cũng là đường hướng hiện nay, để tạo dấu ấn riêng và làm sáng rõ dần bản sắc cho đô thị Buôn Ma Thuột hiện đại.

Phương Đình

Bài viết liên quan